Thông tin tuyển sinh

GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG

14/03/2023

Chương trình đào tạo:

Tài chính – Ngân hàng

(Finance and Banking)

Trình độ đào tạo:

Đại học

Ngành đào tạo:     

Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm

Mã ngành:

7340201

Chuyên ngành đào tạo:

Tài chính – Ngân hàng

Ngôn ngữ đào tạo:

Tiếng Việt

1.      Giới thiệu về chương trình đào tạo

  • Chương trình đào tạo Tài chính – Ngân hàng đã được rà soát gần đây nhất theo Quyết định số 1566/QĐ-ĐHTM ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Trường Đại học Thương mại Ban hành Chương trình đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng trình độ đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ.
  • Lần sửa đổi, bổ sung này, chương trình đã có những cập nhật cải tiến so với chương trình đào tạo hiện hành như sau:

1.1. Đã rà soát và chỉnh sửa diễn đạt mục tiêu của CTĐT đảm bảo rõ ràng, hướng đến thực thi sứ mạng, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của trường; phản ánh được nhu cầu của thị trường lao động và tương thích với CĐR của CTĐT.

1.2. Đã rà soát, chỉnh sửa, biên tập lại các CĐR của CTĐT theo các chuẩn về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm, ngoại ngữ và tin học; đảm bảo các CĐR rõ ràng và thiết thực, có thể đo lường và đánh giá được theo các cấp độ tư duy; nhất quán với các mục tiêu của CTĐT; đảm bảo tính liên thông với chuẩn đầu vào của CTĐT trình độ sau đại học của ngành và chuyên ngành phù hợp; tạo cơ hội liên thông ngang với các CTĐT cùng trình độ của các ngành và chuyên ngành trong trường Đại học Thương mại; được cụ thể hóa một cách đầy đủ, rõ nét và được thực hiện một cách có hệ thống qua liên kết giữa các học phần và các thành phần của CTĐT; với tổng số 15 CĐR chuyển tải được các quy định về CĐR trình độ Đại học theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

1.3. Vị trí làm việc của người học sau tốt nghiệp đã được trình bày phù hợp với CĐR và mục tiêu của CTĐT.

1.4. Các CTĐT, CĐR đã tham khảo đảm bảo tương thích với ngành đào tạo, được kiểm định và có link dẫn nguồn, ngày truy cập khi tham khảo.

1.5. Đã rà soát để đảm bảo được kết cấu hợp lý theo tỷ lệ tương đối giữa các HP của toàn bộ CTĐT; giữa các HP tự chọn với tổng số tín chỉ học tập và tốt nghiệp; giữa các khối kiến thức GDĐC và GD chuyên nghiệp; giữa kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành và chuyên ngành.

1.6. Ma trận tích hợp CĐR của các học phần trong CTĐT đã được rà soát, biên tập trên cơ sở các CĐR và đề cương các HP trong CTĐT đã chỉnh sửa, bổ sung, đảm bảo các học phần có đóng góp hợp lý vào CĐR của CTĐT.

1.7. Các HP chuyên ngành có đổi mới hình thức đánh giá thi cuối kỳ bằng cách chuyển từ thi tự luận sang bài tập lớn, gồm: Quản trị tài chính 2 (Báo cáo thực tế); Quản trị các tổ chức tài chính phi ngân hàng; Tài chính công.

2. Mục tiêu của chương trình đào tạo

Mục tiêu chung: Đào tạo cử nhân Tài chính – Ngân hàng thương mại có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt; đạt chuẩn kiến thức cơ bản về kinh tế, xã hội, pháp luật; đạt chuẩn kiến thức nền tảng và kỹ năng cơ bản về Tài chính – Tiền tệ - Ngân hàng; đạt chuẩn kiến thức chuyên sâu, kỹ năng chuyên nghiệp về Tài chính - Ngân hàng thương mại và Quản lý tài chính, đồng thời có năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm để có thể đáp ứng các yêu cầu về vị trí làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính ngân hàng, phi ngân hàng và/hoặc trở thành nghiên cứu viên, giảng viên tại các Viện nghiên cứu, trường đại học khối ngành kinh tế, kinh doanh và quản lý, có năng lực phát triển bản thân trong môi trường cạnh tranh và bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể: Đào tạo cử nhân Tài chính - Ngân hàng thương mại đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ đại học, bao gồm chuẩn kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm, ngoại ngữ và công nghệ thông tin để có thể đảm nhiệm tốt các vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp, có khả năng tiếp tục học tập nâng cao trình độ sau khi ra trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Cụ thể như sau:

TT

Mã mục tiêu

Mục tiêu cụ thể

1

PO1

Có kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị, pháp luật và công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyên môn của lĩnh vực tài chính - ngân hàng

2

PO2

Có kiến thức cơ bản về kinh tế xã hội nói chung và lĩnh vực tài chính - tiền tệ - ngân hàng nói riêng

3

PO3

Có kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành, biết vận dụng kiến thức chuyên môn để giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng

4

PO4

Có kiến thức bổ trợ để phát triển sang các ngành đào tạo khác thuộc khối ngành kinh doanh và quản lý

5

PO5

Có kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, kỹ năng truyền đạt vấn đề, phổ biến kiến thức, kỹ năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, phức tạp thuộc chuyên môn tài chính – ngân hàng

6

PO6

Có kỹ năng phản biện, phê phán và sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường thay đổi

7

PO7

Có kỹ năng làm việc nhóm, đánh giá chất lượng công việc và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm

8

PO8

Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo Thông tư 03/2017/TT-BGDĐT-BTT&TT; đạt chuẩn tiếng Anh theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT và Quyết định số 979/2016/QĐ-ĐHTM

9

PO9

Có phẩm chất chính trị; có hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật; có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp theo yêu cầu của lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng; có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội

3. Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo

3.1. Yêu cầu về kiến thức

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng thương mại đạt chuẩn kiến thức của trình độ đại học, có kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết toàn diện và chuyên sâu về lĩnh vực tài chính – ngân hàng, cụ thể như sau:

PLO1: Nắm vững và có khả năng vận dụng tốt các kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị, pháp luật để giải quyết các vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

PLO2: Nắm vững và có khả năng vận dụng tốt các kiến thức cơ bản về kinh tế học và tài chính – tiền tệ - ngân hàng để phân tích, luận giải và đánh giá các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

PLO3: Có kiến thức thực tiễn vững chắc, kiến thức lý thuyết toàn diện và chuyên sâu của chuyên ngành; biết vận dụng kiến thức chuyên môn để giải quyết các vấn đề liên quan đến chức năng tài chính trong các đơn vị, tổ chức của nền kinh tế.

PLO4: Nắm vững và có khả năng vận dụng tốt các kiến thức cơ bản về ngoại ngữ, công nghệ thông tin; biết sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các vấn đề và thực hành nghề nghiệp liên quan đến chức năng tài chính trong các đơn vị, tổ chức của nền kinh tế.

PLO5: Nắm vững và có khả năng vận dụng tốt các kiến thức bổ trợ trong tiếp cận và giải quyết các vấn đề chuyên môn thuộc chuyên ngành tài chính – ngân hàng và có thể liên thông sang các ngành đào tạo khác thuộc khối ngành kinh tế, kinh doanh và quản lý.

3.2. Yêu cầu về kỹ năng

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng thương mại đạt chuẩn đầu ra về kỹ năng cụ thể như sau:

PLO6: Có kỹ năng tư duy phản biện, phê phán từ quan sát, kinh nghiệm, chứng cứ, học thức, thông tin trong trong phân tích, tổng hợp, đánh giá sự việc và giải quyết vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

PLO7: Có kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức và triển khai các hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể thuộc chức năng tài chính của doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức trong nền kinh tế.

PLO8: Có kỹ năng giao tiếp và hợp tác, kỹ năng truyền đạt vấn đề, phổ biến kiến thức, kỹ năng làm việc nhóm, đánh giá chất lượng công việc và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm.

PLO9: Có kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm, tạo việc làm cho mình và cho người khác trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng

3.3. Yêu cầu v mức độ tự chủ và trách nhiệm

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng thương mại đạt chuẩn đầu ra về mức độ tự chủ và trách nhiệm, cụ thể như sau:

PLO10: Có phẩm chất chính trị tốt, nắm vững và chấp hành đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và pháp luật về tài chính - ngân hàng nói riêng.

PLO11: Có ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, làm việc khoa học.

PLO12: Có ý thức tự học, tự đào tạo, có năng lực làm việc độc lập và tự chịu trách nhiệm trong giải quyết vấn đề, tham gia và chia sẻ trách nhiệm trong các công việc tập thể, có tinh thần tiên phong chịu trách nhiệm dẫn dắt trong giải quyết các vấn đề thuộc chuyên môn tài chính – ngân hàng.

PLO13: Có ý thức cộng đồng, trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội nói chung và trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng nói riêng.

3.4. Yêu cầu về ngoại ngữ và tin học

PLO14: Đạt chuẩn Tiếng Anh trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo Quy định chuẩn đầu ra Tiếng Anh đối với sinh viên trình độ đại học của Trường Đại học Thương mại ban hành kèm theo Quyết định 1551/QĐ-ĐHTM ngày 13/10/2021 của Trường Đại học Thương mại.

PLO15: Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo Quy định về yêu cầu chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin đối với sinh viên trình độ đại học hệ chính quy không thuộc ngành Hệ thống thông tin quản lý ban hành kèm theo Quyết định số 634/QĐ-ĐHTM ngày 26/9/2017 và được bổ sung, sửa đổi theo Quyết định số 1436/QĐ-ĐHTM ngày 4/12/2020 của Trường Đại học Thương mại.

4. Khối lượng kiến thức toàn khóa: 131 TC (trong đó: 120 TC học tập và tốt nghiệp, 11 TC Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng - an ninh).

5. Đối tượng tuyển sinh

             Người học trong cả nước đảm bảo Chuẩn đầu vào chương trình đào tạo đại học - Người học phải tốt nghiệp THPT hoặc tương đương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Quy trình đào tạo và điều kiện tốt nghiệp

6.1. Quy trình đào tạo

Quy trình đào tạo được tổ chức triển khai theo 5 bước nhằm đảm bảo hoạt động đào tạo thực hiện đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra, tuân thủ quy chế đào tạo hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Trường, bao gồm:

Bước 1. Xây dựng Kế hoạch toàn khóa;

Bước 2. Xây dựng kế hoạch giảng dạy từng học kỳ (gồm: xây dựng lịch trình, thời khóa biểu, lịch thi từng học kỳ) và tổ chức triển khai kế hoạch giảng dạy theo trình tự sau:

- Dựa trên kế hoạch toàn khóa, từng học kỳ phòng Quản lý đào tạo xây dựng lịch trình, thời khóa biểu dự kiến cho kỳ sau, gửi các bộ môn;

- Bộ môn phân công giảng viên giảng dạy và gửi lại phòng Quản lý đào tạo sau khi có ý kiến của Trưởng Khoa/Viện quản lý chuyên ngành;

- Phòng Quản lý đào tạo đăng tải thời khóa biểu dự kiến (có tên giảng viên giảng dạy lớp học phần) trên trang http://dangky.tmu.edu.vn để sinh viên tham khảo trước khi đăng ký học tập;

- Tổ chức cho sinh viên đăng ký học tập;

- Thành lập lớp học phần (thời khóa biểu chính thức) trên cơ sở kết quả đăng ký học tập của sinh viên;

- Chuyển thời khóa biểu chính thức cho Khoa/Viện quản lý chuyên ngành và Bộ môn phụ trách học phần; Lưu trữ Thời khóa biểu chính thức tại Phòng Quản lý đào tạo;

- Tổ chức giảng dạy theo thời khóa biểu (điều hành, kiểm tra, theo dõi tình thực thực hiện kế hoạch giảng dạy/Thời khóa biểu);

- Xây dựng Lịch thi, tổ chức kỳ thi và đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Bước 3. Xử lý các vấn đề về học vụ, gồm: cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học; thôi học; tạm ngừng học; chuyển hình thức đào tạo,...

Bước 4. Xét, công nhận tốt nghiệp cho sinh viên

Bước 5. Cấp Bằng tốt nghiệp cho sinh viên.

6.2. Điều kiện tốt nghiệp

Sinh viên có đủ các điều kiện sau đây được xét công nhận tốt nghiệp:

a) Cho đến thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc không trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập và vẫn còn trong phạm vi thời gian tối đa được phép học tập tại trường của sinh viên;

b) Tích lũy đủ học phần, số tín chỉ quy định theo chương trình đào tạo tương ứng; đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra ngoại ngữ và chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin theo quy định của Trường;

c)  Điểm trung bình tích lũy của toàn khóa học đạt từ 2,00 trở lên;

d) Có đơn gửi phòng Quản lý đào tạo đề nghị được xét tốt nghiệp trong trường hợp đủ điều kiện tốt nghiệp sớm hoặc muộn hơn so với thời gian thiết kế của khoá học

f) Có chứng chỉ Giáo dục Quốc phòng - An ninh và hoàn thành chương trình Giáo dục thể chất

-----------------------------------------------------
THÔNG TIN CHI TIẾT:
Khoa Tài chính – Ngân hàng - Trường Đại học Thương mại
?Văn phòng Khoa: Phòng 210 – Nhà F – Trường Đại học Thương mại – Số 79 Đường Hồ Tùng Mậu – Cầu Giấy – Hà Nội
?Email: tcnh@tmu.edu.vn
?Website:http:/tcnh.tmu.edu.vn/
?Fanpage:https://www.facebook.com/taichinhnganhang