Thông tin tuyển sinh

GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH TÀI CHÍNH CÔNG

14/03/2023
Chương trình đào tạo chuyên ngành Tài chính công của Khoa Tài chính – Ngân hàng có mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội hội.
1. Mục tiêu của chương trình đào tạo
- Mục tiêu chung: Đào tạo cử nhân Tài chính công có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt, có đủ kiến thức cơ bản về kinh tế, xã hội, pháp luật, vừa có kiến thức nền tảng về tài chính nói chung vừa có kiến thức chuyên sâu, kỹ năng chuyên nghiệp về tài chính công và quản lý tài chính để có thể đáp ứng các yêu cầu làm việc trong khu vực công ở các cấp độ khác nhau, từ thực hành tác nghiệp đến hoạch định chính sách. Sử dụng tốt các nguyên lý và kỹ năng quản lý tài chính để có thể tổ chức, thực hiện các tác nghiệp tài chính tại các tổ chức thuộc khu vực công.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Có kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị, pháp luật và công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyên môn của lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
+ Có kiến thức nền tảng và kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành tài chính công nói riêng và tài chính ngân hàng nói chung, biết vận dụng kiến thức chuyên môn để giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực tài chính công nói riêng và tài chính – ngân hàng nói chung.
+ Có kỹ năng dẫn dắt, truyền đạt vấn đề, phổ biến kiến thức, tư duy phản biện, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, phức tạp thuộc chuyên môn tài chính công, thích ứng với những thay đổi của môi trường.
+ Có kỹ năng làm việc nhóm, đánh giá chất lượng công việc và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm, năng động, tự chủ, sáng tạo.
+ Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo Thông tư 03/2017/TT-BGDĐT-BTT&TT; đạt chuẩn tiếng Anh theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT và Quyết định số 979/2016/QĐ-ĐHTM.
2. Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo
2.1. Yêu cầu về kiến thức
+ Vận dụng kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị, pháp luật để giải quyết vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực tài chính công nói riêng và tài chính – ngân hàng nói chung.
+ Vận dụng kiến thức cơ bản về kinh tế học trong lĩnh vực công và tài chính - tiền tệ - ngân hàng để phân tích, luận giải các vấn đề kinh tế vĩ mô, vai trò và sự vận hành của hệ thống tài chính trong nền kinh tế thị trường, cấu trúc và vai trò của khu vực công trong nền kinh tế.
+ Vận dụng được các nguyên lý chung về tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán để có thể giải thích, phân tích và đánh giá các vấn đề tài chính công tổng thể trong nền kinh tế
+ Vận dụng các kiến thức lý thuyết chuyên sâu thuộc chuyên ngành để có thể nhận dạng, phân tích và đánh giá các vấn đề tài chính trong cơ quan nhà nước, đơn vị công và các tổ chức tài chính khác.
+ Vận dụng được các kiến thức bổ trợ trong tiếp cận và giải quyết các vấn đề chuyên môn thuộc chuyên ngành tài chính công nói riêng và tài chính ngân hàng nói chung và có thể liên thông sang các ngành đào tạo khác thuộc khối ngành kế toán, kinh tế, kinh doanh và quản lý.
2.2. Yêu cầu về kỹ năng
+ Có khả năng tổ chức, thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn trong các cơ quan tài chính, cơ quan kho bạc nhà nước, cơ quan thuế và doanh nghiệp tư vấn thuế
+ Có khả năng xây dựng, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát các kế hoạch tài chính và hoạt động tài chính tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức công, tổ chức phi lợi nhuận.
+ Có khả năng xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát chu trình quản lý tài chính, quản lý ngân sách nhà nước tại các cơ quan quản lý ngân sách các cấp, các đơn vị có sử dụng nguồn tiền ngân sách nhà nước
+ Có khả năng vận dụng các kỹ năng về quản trị tài chính, định giá doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán, quản lý tài sản công trong thực hiện các nghiệp vụ quản lý tài chính tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức công và tổ chức tài chính khác.
2.3. Yêu cầu về mức độ tự chủ và trách nhiệm
+ Có kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, truyền đạt vấn đề, phổ biến kiến thức và làm việc nhóm.
+ Có kỹ năng tư duy phản biện, vận dụng đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài chính để giải quyết các vấn đề có liên quan
+ Có kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm và tự định hướng về chuyên môn nghề nghiệp.
+ Có thái độ nghiêm túc, độc lập, tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ và thích ứng với những thay đổi của môi trường.
2.4. Yêu cầu về ngoại ngữ và tin học
+ Đạt chuẩn Tiếng Anh trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo Quy định chuẩn đầu ra Tiếng Anh đối với sinh viên trình độ đại học của Trường Đại học Thương mại ban hành kèm theo Quyết định 1551/QĐ-ĐHTM ngày 13/10/2021 của Trường Đại học Thương mại.
+ Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo Quy định về yêu cầu chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin đối với sinh viên trình độ đại học hệ chính quy không thuộc ngành Hệ thống thông tin quản lý ban hành kèm theo Quyết định số 634/QĐ-ĐHTM ngày 26/9/2017 và được bổ sung, sửa đổi theo Quyết định số 1436/QĐ-ĐHTM ngày 4/12/2020 của Trường Đại học Thương mại.
3. Khối lượng kiến thức toàn khóa: 131 TC (trong đó: 120 TC học tập và tốt nghiệp, 11 TC Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng - an ninh).
4. Vị trí việc làm của cử nhân ngành Tài chính công:
- Các phòng, ban, bộ phận chức năng chuyên môn của các đơn vị trong phân cấp quản lý của các ngành: tài chính (Bộ Tài chính, Sở Tài chính, Phòng Tài chính quận,huyện); thuế (Tổng Cục thuế, Cục thuế, Chi cục thuế); hải quan (Tổng Cục hải quan, Cục Hải quan, Chi cục hải quan); kho bạc nhà nước (Kho bạc Nhà nước cấp trung ương, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước cấp huyện); bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội huyện).
- Các phòng, ban, bộ phận chức năng quản lý tài chính của các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước các cấp: cấp trung ương (các Bộ và cơ quan ngang Bộ); cấp tỉnh (các Sở, Ban, Ngành); cấp huyện (các phòng, ban).
- Các phòng, ban, bộ phận chức năng quản lý tài chính của các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực như: Y tế (Bệnh viện công, Trung tâm y tế,…); giáo dục (Trường học công các cấp, Trung tâm đào tạo, Viện nghiên cứu,…); văn hóa (Trung tâm văn hóa, Đơn vị nghệ thuật,…); thể thao (Trung tâm thể thao, Câu lạc bộ thể dục, thể thao,…);…
- Các phòng, ban, bộ phận chuyên môn về tài chính của các đơn vị cung cấp dịch vụ công, các công ty tư vấn thuế.
- Các phòng, ban, bộ phận chuyên môn về tài chính của các đơn vị công khác: Ngân hàng chính sách xã hội (Hội sở, các chi nhánh), các Hội nghề nghiệp (Hội nông dân, Hội phụ nữ,…), Ban quản lý dự án, công trình công,….
----------------------------------------------------
THÔNG TIN CHI TIẾT:
Khoa Tài chính – Ngân hàng - Trường Đại học Thương mại
?Văn phòng Khoa: Phòng 210 – Nhà F – Trường Đại học Thương mại – Số 79 Đường Hồ Tùng Mậu – Cầu Giấy – Hà Nội
?Email: tcnh@tmu.edu.vn
?Website:http:/tcnh.tmu.edu.vn/
?Fanpage:@taichinhnganhang